NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA CỦA NGÀY TẾT NGUYÊN ĐÁN
Tết Nguyên đán là lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm của người Việt. Trong bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu về nguồn gốc và ý nghĩa của Tết Nguyên đán này nhé.
1. Nguồn gốc của Tết Nguyên đán
Tết Nguyên Đán (còn gọi là Tết Cả, Tết ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền hay đơn giản là Tết) là dịp lễ đầu năm Âm lịch quan trọng và có ý nghĩa nhất ở Việt Nam.
“Tết” là cách đọc âm Hán - Việt của chữ “tiết”, “nguyên” theo chữ Hán có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai và “đán” là buổi sáng sớm, cho nên đọc đúng phiên âm phải là “Tiết Nguyên Đán”.
Tết Nguyên Đán của Việt Nam được tính theo Âm lịch, muộn hơn Tết Dương lịch (hay Tết Tây). Do quy luật 3 năm nhuận một tháng của Âm lịch nên ngày đầu năm của dịp Tết Nguyên Đán không bao giờ trước ngày 21/01 Dương lịch và sau ngày 19/02 Dương lịch mà thường chỉ rơi vào khoảng giữa những ngày này.
Thời gian diễn ra Tết Nguyên Đán hàng năm thường kéo dài trong khoảng 7 - 8 ngày cuối năm cũ và 7 ngày đầu năm mới (23 tháng Chạp đến hết ngày 7 tháng Giêng).
Hầu hết thông tin đều cho rằng ngày Tết Nguyên Đán có nguồn gốc từ Trung Quốc và được du nhập về Việt Nam trong 1000 năm Bắc thuộc. Nhưng theo sự tích "Bánh chưng bánh dày" thì người Việt đã ăn Tết từ thời vua Hùng, tức là trước cả khoảng thời gian 1000 năm Bắc thuộc.
2. Ý nghĩa của Tết Nguyên đán
Đối với người Việt Nam, Tết Nguyên đán không chỉ là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, mà còn ẩn chứa nhiều ý nghĩa văn hóa tâm linh, ... Theo quan niệm của người phương Đông, đây là khoảng thời gian trời đất giao hòa.
Tết Nguyên đán năm xưa là ngày nông dân cúng thần đất, mưa, sấm, nước, mặt trời. Ngoài ra, đây cũng được coi là ngày “giải hạn”, là ngày mà mọi người cầu mong cả năm bình an, thịnh vượng, gặp nhiều may mắn và xả bỏ những điều xui xẻo của năm cũ.
Vì vậy, trong dịp Tết đến xuân về, nhà nào cũng tất bật dọn dẹp, mua sắm, trang hoàng nhà cửa đẹp đẽ. Đây cũng là cơ hội để mọi người đổi mới tình cảm và tinh thần, gắn kết hơn với những người thân yêu, tinh thần thoải mái và vui vẻ hơn. Trong lễ hội mùa xuân, các gia đình thường tụ tập để chúc Tết và cùng nhau thắp hương tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên.
Hy vọng qua bài viết trên, bạn đã hiểu thêm về ngày Tết Nguyên Đán của dân tộc. Chúc các bạn có một năm mới an khang, thịnh vượng nhé!